TOP 15 dấu ấn trong văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản
Văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản là điều mà những bạn du học Nhật Bản, thực tập sinh nên tìm hiểu trước khi đến với xứ Phù Tang. Trong bài viết dưới đây, PMK Training xin được chia sẻ cùng các bạn từ những trải nghiệm của chính bản thân mình sau 1 thời gian tiếp xúc, học tập và làm việc với đối tác Nhật Bản để các bạn cùng tìm hiểu nhé!
Khi gặp một người lạ. Người Nhật thường có một điều là luôn giấu cảm xúc cá nhân để quan sát và tìm hiểu người đối diện.
Với người Nhật họ rất để ý tới những vấn đề mà các bạn cho là nhỏ nhặt như cách ăn mặc, ngôn ngữ khi giao tiếp, khi ngồi ăn uống,..cho nên PMK Training xin chia sẻ những kinh nghiệm sau để các bạn cùng tìm hiểu nhé!
1. Văn hóa cúi chào của người Nhật
Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật, có một quy tắc bất thành văn về thứ bậc đó là người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi, nam là người trên đối với nữ, thầy là người trên (không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh), khách là người trên… “Người dưới” bao giờ cũng phải chào “người trên” trước.
Nghi thức cúi chào người Nhật gọi là Ojigi. Ojigi có nghĩa là đổ người từ phần eo về phía trước. Trong thực tế có ba kiểu cúi chào sau:
- Kiểu Eshaku
Kiểu Eshaku là kiểu cúi chào 15 độ, được dùng trong xã giao hàng ngày, đối với những người ngang mình.
Thân mình và đầu chỉ hơi cúi khoảng một giây, hai tay để bên hông. Người Nhật chào nhau vài lần trong ngày, nhưng chỉ lần đầu thì phải chào thi lễ, những lần sau chỉ khẽ cúi chào. Ngay cả người Nhật cũng thấy những nghi thức cúi chào này hết sức rườm rà nhưng nó vẫn tồn tại trong quá trình giao tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho đến tận ngày nay.
- Kiểu Keirei
Kiểu Keirei là kiểu cúi chào 30 độ, trang trọng hơn, khi lần đầu gặp mặt.
Thân mình cúi xuống 20-30 độ và giữ nguyên 2-3 giây. Nếu đang ngồi trên sàn nhà mà muốn chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10-20cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10-15cm.
- Kiểu Saikeirei
Kiểu Saikeirei là kiểu cúi chào 45 độ, cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc khi muốn cảm ơn ai đó, thể hiện sự biết ơn từ tận đáy lòng mình.
Kiểu cúi chào này thường sử dụng trước bàn thờ trong các đền của Thần đạo, chùa của Phật giáo, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng.
2. Ngôn ngữ khi giao tiếp
Khi các em học tiếng Nhật thì thể lịch sự các em được học đầu tiên đúng không? Đó, lý do tại sao lại dạy thể này trước vì muốn các em hiểu rằng khi nói chuyện phải biết nói những lời lịch sự và khiêm tốn: các cụ nhà ta vẫn có câu" uốn ba tấc lưỡi rồi hãy nói".
Với bạn bè thân thì khỏi nói làm gì, nhưng với người lạ và đồng nghiệp, thầy Cô,... các em cần chú ý nhé! Yếu tố lịch sự cũng chính là điều cần hết sức lưu ý khi giao tiếp với người Nhật Bản.
3. Văn hóa giao tiếp bằng mắt
Trong văn hóa giao tiếp người Nhật, khi nói chuyện mà nhìn thẳng vào người đối thoại thì bị xem như là một người thiếu lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực.
Người Nhật thường tránh nhìn trực diện vào người đối thoại. Họ thường nhìn vào một vật trung gian như caravat, một cuốn sách, đồ nữ trang, lọ hoa..., hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang bên.
4. Sự im lặng trong giao tiếp của người Nhật
Người Nhật họ sử dụng sự im lặng như một cách để giao tiếp và họ tin rằng nói ít thì tốt hơn nói quá nhiều; và họ quan tâm nhiều đến hành động hơn là lời nói.
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy trong các buổi thương thảo, người có vị trí cao nhất thường ít lời nhất và những gì anh ta nói ra là quyết định sau cùng, im lặng cũng là cách không muốn làm mất lòng người khác.
5. Vẫy tay khi gọi ai đó
Khi ai đó gọi bằng cách vẫy tay, nên để tay thẳng lòng bàn tay hướng xuống, sao đó quạt các ngón tay xuống, việc cong một vài ngón tay trong không khí được coi là cử chỉ tục tĩu.
Sẽ là một lỗi trong giao tiếp nếu chỉ tay trực tiếp vào người khác, thay vào đó ta mở rộng bàn tay ngửa lên như đang bưng một cái mâm và chỉ về phía người đó.
6. Gật đầu
Khi người Nhật lắng nghe người khác nói, họ có những nụ cười, cái gật đầu và những câu chữ lịch sự mà ta sẽ không thể tìm thấy trong các ngôn ngữ khác.
Họ có ý khuyến khích bạn tiếp tục câu chuyện nhưng điều này thường bị người phương Tây và người châu Âu hiểu nhầm rằng họ đồng ý. Gật đầu là một dấu hiệu rất phổ biến thay cho “Yes”, nhưng đối với người Bulgari, điệu bộ này có nghĩa là “No”, còn đối với người Nhật, nó chỉ thuần túy thể hiện phép lịch sự.
7. Tư thế ngồi khi trao đổi
Khi ngồi trao đổi các em tuyệt đối không rung chân. Mắt nhìn thẳng người đối diện, không có động tác thừa như: ngoáy mũi, nhổ lông nách :)) gãi đầu gãi tai theo cách ôi đầu có ngứa nhé! Nhớ là ngồi thẳng lưng, mắt nhìn thẳng và luôn vui vẻ, tự tin, không quá căng thẳng.
8. Trang phục thể hiện văn hóa giao tiếp
Người Nhật quan niệm là mặc lịch sự là tôn trọng người gặp mặt. Do vậy, nếu các em ăn mặc suồng sã thì coi như là các em không có ý tôn trọng đối tác đó các em à, trừ khi đó là đi picnic, vui chơi, đi gặp bạn bè rất thân thiết,... cho nên các em thấy, người Nhật khi đi làm họ thường mặc vest rất chỉnh tề đúng không nào? Mặc dù trời rất nóng vì họ tôn trọng người họ sẽ gặp và tôn trọng đồng nghiệp đó các em.
Với những chiếc quần bò rách từ chân tới chỗ không thể rách hơn được nữa hay những kiểu tóc mà ai cũng phải ngước nhìn :)) thì các em nên cất nó và dùng trong những lần đi chơi nhé!
Ngày nay ở Nhật Bản, nam nữ ở mọi lứa tuổi sống ở các thành phố, thị trấn và nông thôn đều mặc quần áo kiểu phương Tây vì nó thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Trang phục nói chung và trang phục nơi công sở nói riêng không có nghĩa giấu đi phong cách riêng mà phải tôn tạo vẻ ngoài lịch lãm, chuyên nghiệp của người mặc.
9. Văn hóa đúng giờ trong mọi cuộc hẹn
Ở Việt Nam ta thì hầu như văn hoá là cao su giờ giấc. Bản thân PMK Training trước đây cũng rất hay cao su. Ví dụ hẹn nhau 8h thì phải 8h30 mới có mặt :)). Nhưng ở Nhật thì không thể như vậy được. Ngay như đi tàu cũng vậy, đúng 7h tàu tới mà chỉ cần chậm 10 giây thì .... Cho nên lưu ý về giờ giấc rất quan trọng. Với cuộc gặp mặt ban đầu mà chúng ta tới trễ thì khả năng thành công giảm đi rất nhiều.
Vì thế, đối với mỗi cuộc hẹn chúng ta thường đến trước 10-15 phút là tốt nhất, để có thời gian chỉnh lại trang phục, chuẩn bị tài liệu, tinh thần,...
Hãy lưu ý: Không được cao su về thời gian. Một điều rất quan trọng trong giao tiếp là cách tạo ra thiện cảm ban đầu, trong công việc cũng như sinh hoạt, người Nhật không muốn bị lãng quên. Với quỹ thời gian eo hẹp của cuộc sống công nghiệp, công chức Nhật rất quan tâm vấn đề thời gian nếu có cuộc hẹn. Họ tỏ ra khó chịu khi phải đợi và rất mất cảm tình với người sai hẹn. Nếu là người đi tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh thì anh ta khó có cơ hội thứ hai gặp lại.
10. Chào hỏi khi gặp mặt và khi ra về
Trước khi vào phòng các em cần nhớ gõ cửa. Khi bước vào phòng thì cúi chào và sau khi ra khỏi phòng cũng chào các em nhé! Khi lấy ghế ra ngồi phải rất nhẹ nhàng, lúc ra về thì cần xếp ghế vào đúng nơi như ban đầu. Tuyệt đối không được kéo ghế gây tiếng ồn, đóng và mở cửa mạnh tay nhé :)
Các em đặc biệt lưu ý khi tham gia phỏng vấn đi Nhật nhé!
11. Cách dùng name card (danh thiếp)
Ở Nhật thì name card được dùng khi hai người mới gặp nhau. Những bạn nào đã học tại PMK Training thì đều biết cách đưa name card này rồi. Hãy cầm name card bằng hai tay và đưa cho người đối diện với phần tên xoay về phía người đối diện cho dễ đọc tên bạn nhất. Các em nên tìm hiểu thêm cách đưa name card nhé! Khi nhận name card thì các em cần phải trân trọng nhé! Đừng vò viên và đút túi :)) mà hãy đọc name card rồi cầm nó trên tay để nếu lỡ có quên tên người đối diện thì hãy nhìn vô đó. Khi nhớ tên rồi thì hãy cất nó vô hộp card của mình.
12. Văn hóa giao tiếp khi đi ăn uống
Văn hoá Nhật thì khi ăn uống họ không ồn ào, trừ khi là bạn bè rất thân thiết và đến những quán có phòng riêng thì họ cũng vui vẻ lắm :)).
Chú ý khi mời bia, rượu các em nhớ cầm bia và rót cho người khác nhé! Người khác Sẽ rót bia cho các em và nhớ là hai tay nâng cốc bia hoặc chén rượu để cho đối tác, bạn bè,... rót cho mình. Và nói lời cảm ơn
13. Văn hóa tặng quà
Người Nhật họ rất thích tặng quà cho bạn bè, đối tác khi gặp mặt và bản thân các em và PMK Training cũng rất thích được tặng quà đúng không nào? Vậy hãy làm điều mình thích cho người khác nhé! Lần sau nếu có đi gặp đối tác, thầy cô, bạn bè các em nên chuẩn bị một món quà như cafe, gói bánh,... những vật không cần quá giá trị đâu các em à, chỉ một chút gọi là tình cảm nhé các em. Như vậy các em đang hoà nhập vào văn hoá Nhật rồi đó
Người Nhật thích tặng quà cho từng người khách và khi được tặng quà thường không mở món quà đó trước mặt người tặng quà. Ngoài ra khi làm việc với người Nhật, PMK Training cũng thấy rằng việc gói quà tặng là cả một nghệ thuật, bạn nên nhờ nhân viên bán hàng làm giúp để tránh sai sót. Không nên tặng quà có số lượng 4 hoặc 9, những vật nhọn hoặc trà uống vì chúng tượng trưng cho điều kém may mắn tại Nhật.
Nhiều người từ phương Tây tới Nhật Bản đều gặp phải khó khăn trong việc tặng quà cho người khác, vì nó rất khác so với việc tặng quà như của người Mỹ. Ở Nhật Bản, tặng quà là một nghệ thuật, thể hiện tình bạn, sự kính trọng và thái độ ngưỡng mộ. Nghi thức tặng quà, món quà, số đếm của chúng, cách trang trí… đều được người Nhật hết sức lưu ý khi tặng cho nhau.
14. Văn hóa giao tiếp của phụ nữ Nhật
Nếu đang là một du học sinh hay người lao động ở Nhật bạn có nhận thấy những người phụ nữ Nhật khi trò chuyện với người ít quen biết thì họ phải im lặng và nhìn đi chỗ khác, đó được coi là những hành vi đức hạnh, được đánh giá là người phụ nữ đức hạnh, còn nếu nhìn chăm chú sẽ bị đánh giá là người không đứng đắn, thiếu đức hạnh vì hành vi đó được đánh giá như lời mời gọi dẫn tới sự thân mật.
15. Văn hóa xin lỗi, cảm ơn
Khi mới sang Nhật PMK Training thấy sốc là người Nhật lúc nào câu cám ơn cũng trên môi. Việc rất nhỏ thôi cũng cảm ơn, nhiều lúc cảm thấy ngại lắm ý :)). Hay ở Việt Nam ta nói lời cảm ơn thì thường hay ngại nên cho thêm từ "trước"vào như: Em cám ơn anh trước :D đúng không nào?
Hay ở một tình huống khác như khi đến nhà người khác chơi, được chủ nhà mời vào nhà thì người khách phải đáp “cảm ơn, rất hân hạnh” và cởi bỏ áo khoác trước cửa nhà. Nếu là người đến thăm lần đầu thì chỉ ở chơi không quá nửa giờ, sau đó vào lúc thích hợp phải xin phép ra về với câu “Tôi đã làm phiền ngài quá lâu, xin lượng thứ”. Sau khi cởi đôi dép đi trong nhà, người khách phải quay mũi dép vào trong phòng, ở cửa người khách phải cúi chào một lần nữa và cảm ơn chủ nhà vì sự tiếp đón rồi mới đi ra.
Đó là văn hoá rồi giống như người Phú Thọ là uống rượu với nhau là bắt tay giật giật mấy cái, khi PMK Training hỏi sao lại giật giật thì nhận được câu trả lời vui là rượu nấu từ sắn nên giật giật là thể hiện sự cảm ơn người nhổ sắn đã cung cấp nguyên liệu nấu rượu cho mình uống :)) không biết có phải lý do như vậy thật không? Bạn nào quê Phú Thọ vào giải đáp giùm nhé!
Bài viết nhỏ chia sẻ chút kinh nghiệm tới các bạn về văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản. Tuy nhiên vẫn có nhiều điều còn thiếu sót kính mong các bạn bổ sung thêm những điều hay và ý kiến chân thành để cùng chia sẻ tới các bạn trẻ! PMK Training xin gửi lời cảm ơn và thân chúc các anh, chị, em trong cộng đồng một tuần mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.
MỌI CHI TIẾT XIN LIÊN HỆ VỚI ĐỘI NGŨ PMK TRAINING:
Điện thoại: 02963.606.616 - Hotline: 0919.060781