Chế độ hỗ trợ học nghề bảo hiểm thất nghiệp
Điều kiện, hồ sơ thủ tục xin hưởng
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách tiến bộ áp dụng với người tham gia bảo hiểm xã hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo cho người lao động có được một khoản tiền bù đắp, giúp họ trang trải cuộc sống trong thời gian họ bị mất việc làm, bị thất nghiệp… Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động còn được hỗ trợ học nghề. Hỗ trợ học nghề được xác định là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, tạo ra cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Vậy chế độ hỗ trợ học nghề được hiểu như thế nào. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trong phạm vi bài viết, Trung tâm Phát triển Nhăn lực An Giang sẽ đề cập đến các quy định về chế độ hỗ trợ học nghề: điều kiện, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.
Hiện nay, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, thì chế độ hỗ trợ học nghề được quy định tại Luật Việc làm năm 2013, Nghị định 28/2015/NĐ-CP, Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về điều kiện để được hỗ trợ học nghề.
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm năm 2013, chính sách hỗ trợ học nghề chỉ được áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật việc làm năm 2013.
Trường hợp này, người lao động chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề nếu đồng thời đáp ứng các điều kiện sau:
– Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc đúng pháp luật,. Tuy nhiên lưu ý, trường hợp người này đang hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng hoặc người này tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc trái pháp luật thì sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay chế độ hỗ trợ học nghề.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lên trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc.
– Trong khoảng thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc thì người lao động đã đóng được từ đủ 09 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.
– Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, mà người lao động vẫn chưa tìm được việc làm, trừ một số trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 49 Luật việc làm năm 2013, như: người lao động đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an hoặc đang đi học tập có thời hạn dài từ 12 tháng trở lên; đang trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;…
Sau khi xác định người lao động hoàn toàn đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 55 Luật việc làm năm 2013 được xác định ở trên thì người lao động này có thể làm hồ sơ để được hỗ trợ học nghề.
Theo đó, mức hỗ trợ học nghề được xác định theo thời gian học, kinh phí đào tạo… nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ học nghề sẽ được xác định theo thời gian người lao động được đào tạo, học nghề thực tế nhưng được hỗ trợ tối đa không quá 06 tháng.
Thứ hai, về hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề.
Căn cứ theo quy định tại Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, để được hỗ trợ học nghề, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà đáp ứng điều kiện để được hỗ trợ học nghề thì theo từng trường hợp, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Đối với trường hợp người đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ học nghề hiện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề (theo mẫu số 18 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
- Đối với đối tượng người lao động bị thất nghiệp đã có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề (theo mẫu số 18 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận sự kiện chấm dứt hợp đồng lao động như quyết định nghỉ việc, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc,…
– Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính).
Thứ ba, về thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi Điều 11, 12 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, thì thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ học nghề được thực hiện theo trình tự như sau:
– Người lao động có nhu cầu học nghề, sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì sẽ nộp hồ sơ tại Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trung tâm dịch vụ việc làm địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề (nếu người lao động làm hồ sơ không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp).
– Sau khi nhận hồ sơ hỗ trợ học nghề từ người lao động thì Trung tâm dịch vụ việc làm xem xét, kiểm tra hồ sơ để xác minh thông tin cụ thể về nghề, thời gian học nghề, thời điểm học nghề, cơ sở đào tạo nghề mà người lao động có nhu cầu được đào tạo.
– Trung tâm dịch vụ việc làm sau khi xem xét thì phải trình Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để quyết định về việc có hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày Trung tâm dịch vụ việc làm nhận được hồ sơ từ người lao động.
– Quyết định về việc hỗ trợ học nghề sẽ được trung tâm dịch vụ việc làm gửi đến các bên liên quan gồm: Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Cơ sở dạy nghề – nơi dạy nghề cho người lao động, người lao động đề nghị hỗ trợ học nghề. Trường hợp người lao động không được hỗ trợ học nghề thì trung tâm dịch vụ việc làm phải có văn bản trả lời cho người lao động/
– Sau 02 ngày làm việc kể từ ngày hẹn trong phiếu hẹn kết quả mà người lao động không có mặt để nhận Quyết định hỗ trợ học nghề thì được xem là hủy bỏ nhu cầu hỗ trợ học nghề, trừ các trường hợp bị ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền hoặc xác trường hợp bất khả kháng khác như hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã), hoặc trường hợp bị tai nạn (có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế).
Trường hợp người lao động đã được giải quyết hỗ trợ học nghề thì Trung tâm việc làm sẽ phải xác nhận vào trong sổ bảo hiểm xã hội về việc đã giải quyết hỗ trợ học nghề.
Như vậy, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, học nghề là một trong những chính sách có lợi cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có thể tìm được việc làm mới, sớm thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đây là một trong những chính sách của bảo hiểm thất nghiệp, áp dụng với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nên khi muốn hưởng chế độ hỗ trợ học nghề, người lao động cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.