NHỮNG THÔNG TIN QUAN TRỌNG CẦN BIẾT VỀ
BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP NĂM 2019
1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.
Đó là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013).
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp 2019
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoại trừ người lao động đang hưởng lương hưu, người lao động giúp việc gia đình thì không phải tham gia.
3. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 2019
Điều 42 Luật Việc làm 2013 đặt ra 04 chế độ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đó là:
- Trợ cấp thất nghiệp;
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;
- Hỗ trợ học nghề;
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
4. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 2019
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động như sau:
- Người lao động đóng 1% tiền lương tháng;
- Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (Điều 57 Luật Việc làm 2013)
5. Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2019
- Trợ cấp thất nghiệp:
Cách tính trợ cấp thất nghiệp hiện nay như sau:
Mức hưởng hàng tháng | = | Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp | x | 60% |
Mức hưởng này tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở (6,95 triệu đồng) hoặc mức lương tối thiểu vùng (20,9 triệu đồng vùng I; 18,55 triệu vùng II; 16,25 triệu vùng III; 14,6 triệu vùng IV) tùy theo từng đối tượng;
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm: miễn phí;
- Hỗ trợ học nghề: Tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian không quá 06 tháng;
6. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
* Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.
* Điều kiện hỗ trợ học nghề:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
- Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
* Điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm (áp dụng cho người sử dụng lao động):
- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;
- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ;
- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động;
- Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm 2013)
7. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
*Hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ sau:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ:
+ Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc;
+ Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động (đối với công việc theo mùa vụ hoặc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng);
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
- Sổ bảo hiểm xã hội.
8. Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động thực hiện 04 bước sau:
Bước 1: Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tới trung tâm dịch vụ việc làm.
Bước 2: Đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngày ghi trong phiếu hẹn.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
Bước 4: Hàng tháng đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.
(Mục 3 chương IV Nghị định 28/2015/NĐ-CP)
9. Nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2019
Người lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện theo nơi đăng ký ban đầu.
Trường hợp đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu thì người lao động có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Bất cứ người lao động hay người sử dụng lao động nào cũng nên biết đến những thông tin nêu trên để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân và doanh nghiệp mình.
Nguồn: Internet