QUYỀN LỢI KHI THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp; tư vấn miễn phí về lao động - việc làm và dạy nghề; hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp miễn phí.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009; được quy định trong Luật Bảo hiểm Xã hội được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp; Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP nêu trên.
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp:
Người lao động: là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc sau đây với người sử dụng lao động:
- Hợp đồng lao động từ đủ 12 đến 36 tháng; hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Đối với người đang hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Những người là công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người sử dụng lao động: có sử dụng từ 10 người lao động trở lên tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sau:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội khác.
- Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
- Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
- Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định và trích tiền lương, tiền công của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
- Hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần.
Quyền lợi người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Được nhân viên trung tâm giới thiệu việc làm cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí về lao động - việc làm và dạy nghề; hướng dẫn các thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp liên quan đến hồ sơ, chính sách đối với người lao động.
- Đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp khi mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng việc làm.
- Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm.
- Được nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
- Nhận thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp và không phải đóng phí bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp miễn phí (thời hạn không quá 06 tháng) tại cơ sở dạy nghề.
- Khiếu nại.
Trích dẫn: Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội