QUY TRÌNH CÁC BƯỚC THAM GIA ĐI DU HỌC ĐỨC
Chuẩn bị du học Đức - chúng ta nên bắt đầu từ đâu nhỉ? Có rất nhiều câu hỏi đang quay mòng mòng trong đầu các bạn, và đó là điều chúng mình từng trải qua. Trên thực tế, quy trình làm hồ sơ du học Đức chỉ nhiều chứ không hề khó đâu. Hãy để PMK hướng dẫn bạn tự làm hồ sơ một cách dễ dàng nhất nhé!
Bước 1: Tìm hiểu và xác định hình thức du học Đức dựa theo điều kiện của bản thân
Ở mỗi thời điểm khác nhau, bạn sẽ có đủ điều kiện để du học Đức theo hình thức khác nhau, tùy theo những bằng cấp hoặc mức độ hoàn thành chương trình học của bạn tại Việt Nam. Cụ thể như sau:
Nếu bạn chỉ tốt nghiệp cấp 3 và thi đỗ đại học Việt Nam nhưng không học đại học/học dưới 2 năm đại học, bạn có thể sang Đức học dự bị đại học (Studienkolleg).
Nếu bạn đã hoàn tất 2 năm tại đại học Việt Nam, bạn có thể sang Đức học thẳng đại học cùng nhóm ngành, hoặc bắt đầu lại từ dự bị đại học nếu muốn chuyển ngành.
Nếu bạn đã tốt nghiệp đại học Việt Nam thì có thể sang Đức học thẳng đại học không giới hạn nhóm ngành.
Nếu bạn đã tốt nghiệp đại học Việt Nam và có ý định học thạc sĩ thì bạn chỉ có thể học thạc sĩ với đúng chuyên ngành tại Việt Nam hoặc chuyên ngành tương đương.
Nếu Tốt nghiệp hệ Cao đẳng thì có thể được chuyển vào Dự bị Đại học trong cùng nhóm Ngành.
Nếu Tốt nghiệp hệ Cao đẳng và thi chuyển tiếp lên Đại học thành công (Học kỳ thứ năm) thì có thể được chuyển thẳng vào năm thứ nhất một Trường Đại học trong cùng nhóm Ngành.
Nếu đạt được các điều kiện tại (1.) và có Chứng chỉ DSD I hoặc DSD II và xác nhận của Điều phối viên DSD thì có thể được chuyển vào Dự bị Đại học và không bị giới hạn nhóm Ngành.
Bước 2: Chọn trường và ngành học ở Đức
2.1 Tìm hiểu về các trường đại học và các chương trình học ở Đức
Mặc dù google có thể giúp bạn tìm được vô số các kết quả khi nhập từ khóa “German university” hay “study programs in Germany” …, nhưng cách tra cứu này sẽ hơi khó nếu bạn chưa có định hướng cụ thể về ngành học. Các cổng thông tin dữ liệu trường và ngành học sẽ giúp bạn tốt hơn trong trường hợp này với các tiêu chí lọc theo thành phố, theo ngành, theo chuyên ngành, theo ngôn ngữ, … Cổng thông tin dữ liệu được đông đảo sinh viên toàn thế giới sử dụng là Hochschulkompass hoặc International Programmes in Germany thuộc DAAD. Để tra cứu các ngành, trường học, điều kiện nhập học, hạn nộp hồ sơ, đánh giá của du học sinh, … bằng tiếng Việt, bạn nên sử dụng cơ sở dữ liệu về các trường đại học của PMK.
2.2 Các tiêu chí chọn trường và ngành học
Bạn có thể chọn trường và ngành học tại Đức theo các tiêu chí sau:
- Thứ hạng của trường và ngành (Rankings)
- Kiểu trường Uni (đại học tổng hợp) hay FH (đại học khoa học ứng dụng)?
- Thành phố
- Ngành NC hay ohne NC (giới hạn thư mời nhập học hay không?)
- Nội dung giảng dạy cụ thể của ngành
- Ngôn ngữ giảng dạy (tiếng Anh, tiếng Đức, hay cả hai?)
Tất nhiên, mỗi cá nhân sẽ có một tiêu chí lựa chọn khác nhau và chỉ phù hợp riêng với bản thân mình. Ngoài việc phù hợp với năng lực học tập của bạn, quan trọng nhất là ngành học phải đáp ứng được sở thích, khả năng tài chính và kỳ vọng của bạn về nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, việc tham khảo ý kiến của bạn bè hoặc các cựu sinh viên đã theo học tại trường đại học hoặc chương trình học của Đức mà bạn quan tâm cũng có thể giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về chương trình học và môi trường học tập trước khi bạn đưa ra quyết định cuối cùng.
Bước 3: Kiểm tra yêu cầu đối với hồ sơ xin nhập học tại Đức
Mỗi bậc học, trường đại học, ngành học đều có những yêu cầu căn bản giống nhau nhưng cũng kèm theo những điều kiện riêng. Để có một bộ hồ sơ chuẩn, bạn bắt buộc phải tra cứu và làm theo hướng dẫn trên trang web của trường đại học/Studienkolleg. Dưới đây là một số loại giấy tờ căn bản các bạn cần chuẩn bị khi xin Zulassung (thư mời nhập học/thi dự bị đại học):
3.1 Hồ sơ xin học dự bị đại học Đức
- Các giấy tờ chứng nhận bạn đủ khả năng học đại học (Hochschulzugangsberechtigung)
- Các giấy tờ về tốt nghiệp cấp 3 (có điểm)
- Các giấy tờ về đỗ ĐH (có điểm)
- APS & TestAS
- Chứng nhận khả năng ngôn ngữ: B1/B2 tiếng Đức
- Đơn xin học của từng trường (Antrag)
- Lebenslauf (CV)
- Thư động lực - Motivationsschreiben (tùy trường)
- Photo hộ chiếu (tùy trường)
- Ảnh thẻ (tùy trường)
3.2 Hồ sơ xin học đại học Đức
Gần tương tự hồ sơ xin học dự bị đại học Đức. Tuy nhiên, có hai sự khác biệt rõ rệt sau đây:
- Đối với các bạn đã tốt nghiệp cử nhân, bạn cần trải qua kì phỏng vấn APS thay vì chỉ xét duyệt hồ sơ (trừ khi bạn xin được APS Corona)
- Yêu cầu tiếng Đức để vào thẳng đại học là C1/C2. Các bạn chưa đạt được tiêu chí này có thể được cấp thư mời có điều kiện để sang Đức tham gia khóa học tiếng (DSH) trước khi đủ điều kiện vào tường.
3.3 Hồ sơ xin học thạc sĩ tại Đức
- Các bằng chứng về việc tốt nghiệp đại học ngành phù hợp (có điểm, xếp loại)
- Kinh nghiệm đi làm thực tế
- Khả năng ngoại ngữ
- Các chứng chỉ khác (GMAT, GRE v.v…)
- Đơn xin học của từng trường (Antrag)
- Lebenslauf (CV)
- Thư động lực - Motivationsschreiben (tùy trường)
- Photo hộ chiếu (tùy trường)
- Ảnh thẻ (tùy trường)
Lưu ý:
Hãy đảm bảo các giấy tờ của bạn được dịch và photo công chứng đúng theo quy định. Bạn có thể hoàn tất các thủ tục này tại một văn phòng dịch công chứng.
Một số câu hỏi thường gặp trong quá trình làm hồ sơ
1. Trình độ ngoại ngữ yêu cầu đối với ngành học tiếng Anh/tiếng Đức là như thế nào?
- Dự bị đại học (Studienkolleg): Trong hầu hết các trường hợp, Trình độ B1 tiếng Đức; Điểm IELTS trung bình 6.5 hoặc chứng chỉ tương đương;
- Cấp đại học: Trong hầu hết các trường hợp, ** Trình độ DSH-2 (tương đương C1) tiếng Đức . Trong hầu hết các trường hợp, ** Điểm IELTS 6.5 IELTS hoặc chứng chỉ tương đương;
- Cấp thạc sĩ: Trình độ ngôn ngữ yêu cầu tùy thuộc vào trường đại học và chương trình học bạn chọn, thông thường nếu bạn học bằng tiếng Đức, Trình độ C1 tiếng Đức và B2 tiếng Anh. Nếu bạn học bằng tiếng Anh, Điểm IELTS tối thiểu 6.5.
2. Chứng chỉ tiếng Đức nào được công nhận?
Tại Việt Nam, chứng chỉ Goethe được biết đến nhiều nhất. Đối với các khóa học bằng tiếng Đức, Studienkollegs thường yêu cầu ít nhất trình độ B1 tiếng Đức trong khi hầu hết các trường đại học yêu cầu trình độ C1. Sau đây là danh sách các chứng chỉ tiếng Đức thường được các trường đại học Đức công nhận:
- DSH-2 (Kỳ thi tuyển sinh Đại học bằng tiếng Đức dành cho ứng viên nước ngoài)
- TestDaF 4 (Chứng chỉ thi tiếng Đức TestDaF)
- Chứng chỉ C2 của Viện Goethe
- ZOP (Zentrale Oberstufenprüfung = Trung tâm Kiểm tra Ngôn ngữ Nâng cao) do Viện Goethe cấp
- KDS (Kleines Deutsches Sprachdiplom = Chứng chỉ tiếng Đức KDS)
- GSD (Großes Deutsches Sprachdiplom = Chứng chỉ tiếng Đức GSD)
- DSD II (Deutsches Sprachdiplom der Kultusministerkonferenz = Văn bằng tiếng Đức DSD của Hội nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Đức)
- Chứng chỉ tiếng Đức Telc C1
- Kỳ thi kiểm tra đánh giá (Feststellungsprüfung) của một trường cao đẳng dự bị Đức (Studienkolleg)
3. NC và ohne NC là gì?
Giới hạn số lượng tuyển sinh là “Zulassungsbeschränkung” trong tiếng Đức đối với các ngành học có lượng thí sinh nộp hồ sơ lớn hơn so với số sinh viên trường có thể tuyển. Kí hiệu giới hạn số lượng thường được sử dụng trên trang web của các trường đại học là “NC” (Numerus clausus). Ngược lại, nếu bạn nhìn thấy cụm từ "zulassungsfrei" hoặc "ohne NC" thì có nghĩa là ngành học này không giới hạn số lượng tuyển sinh đầu vào.
Đức giới hạn số lượng tuyển sinh trên toàn quốc đối với các chuyên ngành phổ biến như Y, Dược, Thú y và Nha khoa, được gọi là “NC toàn quốc”. Ngoài ra, một số trường đại học và cơ sở giáo dục đại học cũng hạn chế số lượng tuyển sinh cho các chương trình học của họ và gọi đó là “NC địa phương”.
Đối với các chuyên ngành NC toàn quốc, bạn sẽ cần nộp hồ sơ thêm qua cổng thông tin hochschulstart, bên cạnh uni-assist hoặc cổng nộp hồ sơ của trường.
Bước 4: Lên lịch trình và chuẩn bị hồ sơ du học Đức
Để đảm bảo bạn bắt đầu nhập học đúng vào thời điểm mong muốn, lên lịch trình du học kèm theo deadlines là điều không thể thiếu. Ngoài deadline nộp hồ sơ xin học, bạn cần chú ý lịch thi testAS, phỏng vấn APS vì các kì thi này chỉ được tổ chức vài lần trong năm. Thẩm tra APS đối với bậc cử nhân cũng thuận lợi hơn nếu nộp trong vòng một năm, sau thời hạn đó bạn phải nộp thêm bảng điểm đại học. Học và thi tiếng Đức là một công việc ngốn rất nhiều thời gian đồng thời có tầm quan trọng tiên quyết nên cần được bắt đầu càng sớm càng tốt. Các công việc đính kèm thời gian chờ như xin thư mời nhập học, mở tài khoản phong tỏa chứng minh tài chính, xin visa, … cũng cần được liệt kê rõ ràng trong lịch trình du học của bạn.
Lưu ý
Bạn nên chuẩn bị bao nhiêu tiền cho việc du học ở Đức?
Bạn có thể chia số tiền chi tiêu cho 2 phần riêng biệt:
- Tiền cho các chi phí hành chính giấy tờ: như phí dịch thuật, phí đăng ký thi ngoại ngữ, chi phí chứng nhận và dịch tài liệu, phí xin visa du học Đức...
- Tiền để vào tài khoản chứng minh tài chính cho hồ sơ xin visa du học Theo yêu cầu của đại sứ quán Đức, có hai mức chứng minh tài chính như sau:
Đối với người xin nhập học (xin thi dự bị đại học có thể được xếp vào dạng này): 947 €/tháng, tối thiểu 3 tháng tương đương 2.841 € (thông thường các bạn nộp đủ cho 1 năm luôn để sử dụng cho khoảng thời gian học dự bị)
Đối với bậc đại học: 934 €/tháng tương đương 11.208 €/năm Số tiền này chưa bao gồm các khoản phí ngân hàng khác.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể có những nguồn hỗ trợ tài chính khác, như học bổng, hỗ trợ từ cha mẹ, bảo lãnh ngân hàng, bạn bè ở Đức...
Bước 5: Gửi hồ sơ ứng tuyển vào đại học Đức
Các trường đại học khác nhau với các bằng cấp khác nhau quy định thời gian nộp hồ sơ khác nhau, nhưng thường tập trung vào các đợt nhập học sau:
- Nhập học mùa đông: từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 7. Thư nhập học sẽ được gửi vào tháng 8 hoặc tháng 9. Hồ sơ ứng tuyển cho các khóa học không xét tuyển (tùy thuộc vào trường đại học) có thể từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 10.
- Nhập học mùa hè: từ đầu tháng 12 đến giữa tháng 1. Thư nhập học sẽ được gửi vào tháng 2 hoặc tháng 3. Tuy nhiên, lưu ý kỹ vì nhiều trường đại học chỉ xét tuyển một lần trong năm. Lời khuyên của PMK là bạn nên kiểm tra thời hạn nộp hồ sơ tuyển sinh trên trang web của trường đại học và cho chương trình học cụ thể bạn muốn xin học và nên gửi hồ sơ khoảng 2 đến 3 tuần trước hạn chót nộp hồ sơ. Xin ghi nhớ: quan trọng là bạn phải gửi hồ sơ đến đúng người nhận: Stiftung für Hochschulzulassung, uni-Assist hoặc trực tiếp đến trường đại học bạn xin học.
Lưu ý: Do dịch bệnh COVID-19, nhiều trường đại học Đức cũng đã gia hạn thời hạn nộp hồ sơ tuyển sinh cho sinh viên quốc tế.
Bước 6: Xin visa du học Đức – Hồ sơ gồm những gì?
Khi xin visa du học Đức, các bạn cần truy cập trang web của VFS Global: Nộp hồ sơ xin thị thực. Tại mục “Xác định diện thị thực”, bạn chọn loại thị thực “Du học đại học”. Tại đây, bạn dễ dàng tìm được danh mục các tài liệu được yêu cầu cho hồ sơ xin visa.
Tổng quan các giấy tờ cần thiết khi xin visa du học Đức:
- Đơn xin cấp visa
- 02 ảnh hộ chiếu
- Hộ chiếu có giá trị
- Các giấy tờ chứng minh việc nhập học, đăng kí học, tham gia khóa dự bị, … tại Đức
- APS & TestAS
- Chứng nhận trình độ ngoại ngữ
- Bảo hiểm y tế
- Chứng minh tài chính
- Lebenslauf/CV (lý lịch về quá trình học tập & làm việc)
- Motivationsschreiben/Motivation Letter (thư động lực)
Lưu ý:
- PMK cung cấp cho sinh viên tài khoản phong tỏa và loại bảo hiểm đúng như yêu cầu cho việc nộp hồ sơ xin visa.
- Tài khoản phong tỏa (Sperrkonto) cho hồ sơ xin visa Đức
- Bảo hiểm du lịch cho đơn xin thị thực - MAWISTA Visum
- Lời khuyên của PMK là bạn nên kiểm tra danh sách hồ sơ ở trang web đó trước và gửi đơn xin visa càng sớm càng tốt vì hồ sơ có thể mất hàng tháng để được xử lý.
Bước 7: Nhập cảnh vào Đức – cần làm gì ngay sau khi nhập cảnh?
Sau khi nhập cảnh, vẫn còn rất nhiều thủ tục đang chờ đón bạn. Bạn cần hoàn tất lần lượt những việc sau:
- Làm thủ tục nhập học tại trường (Einschreibung/Enrollment)
- Đăng kí địa chỉ (Anmeldung) Tìm hiểu thủ tục Anmeldung & Visumverlängerung: Đăng ký thường trú và gia hạn visa
- Kích hoạt tài khoản phong tỏa Với tài khoản phong tỏa PMK, bạn chỉ cần mở tài khoản vãng lai Girokonto là có thể kích hoạt hoàn toàn online.
- Kích hoạt bảo hiểm sức khỏe của bạn
- Trong trường hợp bạn sử dụng bảo hiểm công, việc thanh toán phí bảo hiểm cần phải được tiến hanh ngay sau khi bạn vào Đức để bảo hiểm thực sự có hiệu lực. Có nhiều cách thanh toán khác nhau. Khách hàng của PMK có thể liên hệ trực tiếp với PMK để được hỗ trợ.
- Nộp hồ sơ xin giấy phép cư trú Thủ tục này thường được gọi là gia hạn visa trong tiếng Việt, nhưng thực chất, sau khi sang Đức với mục đích học tập lâu dài, bạn sẽ xin thẻ cư trú (Aufenthaltstitel) thay vì gia hạn tờ visa dán trong hộ chiếu.
Visa du học cho sinh viên do Đại sứ quán cấp chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng. Để gia hạn visa, các sinh viên quốc tế trước tiên phải đặt lịch hẹn tại Văn phòng đăng ký dành cho người nước ngoài (Ausländerbehörde) và nộp đơn cùng với các giấy tờ được yêu cầu, bao gồm giấy chứng nhận bảo hiểm y tế, giấy đăng ký nhập học, giấy chứng nhận đăng ký địa chỉ cư trú... Đây là lý do tại sao PMK hướng dẫn bạn làm các việc theo thứ tự như trên.
Lời khuyên cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: PMK hiểu rõ, việc nộp hồ sơ du học có thể là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận và quyết tâm. Nhưng hãy nghĩ về một “cuộc phiêu lưu kỳ thú” ở Đức mà bạn sẽ sớm được trải nghiệm, nó sẽ bơm đầy động lực cho bạn đấy!
Chúc bạn mọi điều thuận lợi và học tập thật tốt nhé!
Thông tin liên hệ tư vấn và hỗ trợ: 02963 606 616 - 0919 060781 (Thầy Minh)